Người Hồi giáo kỷ niệm những ngày lễ nào?

Người Hồi giáo chỉ tổ chức hai lễ Eid (lễ hội): Eid al-Fitr (vào cuối tháng Ramadan), và Eid al-Adha, đánh dấu sự hoàn thành Hajj (thời gian hành hương hàng năm) vào ngày thứ 10 của tháng Dhul-Hijjah.

Trong hai lễ hội này, người Hồi giáo chúc mừng nhau, lan tỏa niềm vui trong cộng đồng và ăn mừng cùng đại gia đình của họ. Nhưng quan trọng hơn, họ nhớ đến phước lành của Allah dành cho họ, tôn vinh danh Người và cầu nguyện Eid tại nhà thờ Hồi giáo. Ngoài hai dịp này, người Hồi giáo không công nhận hoặc ăn mừng bất kỳ ngày nào khác trong năm.

Tất nhiên, có những dịp vui khác mà Hồi giáo quy định phải tổ chức lễ kỷ niệm thích hợp, chẳng hạn như lễ cưới (walima) hoặc nhân dịp sinh con (aqeeqah). Tuy nhiên, những ngày này không được chỉ định là những ngày cụ thể trong năm; thay vào đó được tổ chức khi xảy ra trong suốt cuộc đời của một người Hồi giáo.

Vào buổi sáng của cả lễ Eid al-Fitr và lễ Eid al-Adha, người Hồi giáo tham dự lễ cầu nguyện Eid tập thể tại nhà thờ Hồi giáo, sau đó là bài giảng (khutbah) nhắc nhở người Hồi giáo về bổn phận và trách nhiệm của họ. Sau khi cầu nguyện, người Hồi giáo chào nhau bằng cụm từ "Eid Mubarak" (Eid được ban phước) và trao đổi quà và đồ ngọt.

Lễ hội al-Fitr

Eid al-Fitr đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, diễn ra vào tháng thứ chín theo lịch Hồi giáo tính theo âm lịch.

Eid al-Fitr quan trọng vì nó diễn ra sau một trong những tháng linh thiêng nhất: Ramadan. Ramadan là thời gian để người Hồi giáo củng cố mối liên kết của họ với Allah, đọc kinh Qur'an và gia tăng các việc làm tốt. Vào cuối tháng Ramadan, Allah ban cho người Hồi giáo ngày Eid al-Fitr như một phần thưởng cho việc hoàn thành thành công việc ăn chay và tăng thêm các hành động thờ phượng trong tháng Ramadan. Vào ngày Eid al-Fitr, người Hồi giáo cảm ơn Allah vì cơ hội được chứng kiến một tháng Ramadan khác, để đến gần Ngài hơn, trở thành những người tốt hơn và có thêm một cơ hội được cứu khỏi Địa ngục.

Talhah bin 'Ubaidullah thuật lại rằng có hai người đàn ông đến gặp Sứ giả của Allah (bình an cho Ngài). Họ đã cùng nhau trở thành người Hồi giáo, nhưng một trong số họ thường phấn đấu nhiều hơn người kia. Người thường phấn đấu nhiều hơn đã ra ngoài chiến đấu và đã tử vì đạo. Người kia ở lại thêm một năm nữa, sau đó anh ta qua đời. Talhah nói: "Tôi thấy trong giấc mơ rằng tôi đang ở cổng Thiên đường và tôi đã nhìn thấy họ (hai người đàn ông đó). Một người đi ra khỏi Thiên đường và thừa nhận mình là người đã chết cuối cùng, sau đó người kia đi ra và thừa nhận mình là người đã bị tử vì đạo. Sau đó, anh ta quay lại và nói với tôi: 'Hãy quay lại, vì thời gian của bạn vẫn chưa đến.'" Sáng hôm sau, Talhah kể lại điều đó cho mọi người và họ rất ngạc nhiên. Tin tức về điều đó đã đến tai Sứ giả của Allah (bình an cho Ngài) và họ đã kể lại cho Ngài câu chuyện này. Ngài nói: "Tại sao các người lại ngạc nhiên về điều đó đến vậy?" Họ nói: "Hỡi Sứ giả của Allah, người đầu tiên là người đã phấn đấu nhiều hơn, sau đó anh ta đã tử vì đạo, nhưng người kia đã được nhận vào Thiên đường trước anh ta. Sứ giả của Allah (bình an cho Ngài) nói: "Anh ta có ở lại thêm một năm không?" Họ nói: "Có." Ngài nói: "Và tháng Ramadan đã đến và anh ta đã ăn chay, và anh ta đã cầu nguyện như vậy và như vậy trong năm đó, đúng không?" Họ nói: "Vâng." Sứ giả của Allah (bình an cho Ngài) nói: "Sự khác biệt giữa họ lớn hơn sự khác biệt giữa trời và đất."

Sunan Ibn Majah, 3925

Lễ hội al-Adha

Eid al-Adha đánh dấu sự hoàn thành của thời gian Hajj (hành hương đến Mecca) hàng năm, diễn ra vào tháng Dhul-Hijjah, tháng thứ mười hai và cũng là tháng cuối cùng của lịch Hồi giáo tính theo âm lịch.

Lễ kỷ niệm Eid al-Adha là để tưởng nhớ lòng sùng kính của tiên tri Ibrahim (Abraham) đối với Allah và sự sẵn sàng hy sinh con trai của mình, Ismail (Ishmael). Ngay tại thời điểm hy sinh, Allah đã thay thế Ismail bằng một con cừu đực, con cừu này sẽ bị giết thay cho con trai của ông. Mệnh lệnh này từ Allah là một phép thử đối với lòng sẵn sàng và cam kết của tiên tri Ibrahim trong việc tuân theo mệnh lệnh của Thượng đế mà không thắc mắc. Do đó, Eid al-Adha có nghĩa là lễ hiến tế.

Một trong những việc làm tốt nhất mà người Hồi giáo thực hiện vào dịp Eid al-Adha là hành động Qurbani/Uhdiya (hiến tế), được thực hiện sau Lễ nguyện Eid. Người Hồi giáo hiến tế một con vật để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Tiên tri Abraham vì Allah. Con vật hiến tế phải là một con cừu trưởng thành, cừu non, dê, bò cái, bò đực hoặc lạc đà. Con vật phải khỏe mạnh và trên một độ tuổi nhất định để được giết mổ, theo cách halal của Hồi giáo. Thịt của con vật hiến tế được chia cho người thực hiện lễ hiến tế, bạn bè và gia đình của họ và những người nghèo và thiếu thốn.

Việc hiến tế một con vật vào ngày Eid al-Adha gợi nhớ sự sẵn sàng của tiên tri Abraham trong việc hiến tế chính con trai mình và đây cũng là một hành động thờ phượng được ghi trong kinh Quran và là truyền thống được xác nhận của tiên tri Muhammad (bình an cho Ngài).

Nhà tiên tri (bình an cho Ngài) đã giết hai con cừu đực, màu đen và màu trắng (để làm vật hiến tế), và tôi thấy ông đặt chân lên hai bên sườn chúng và niệm Tên của Allah và Takbir (Allahu Akbar). Sau đó, ông tự tay giết chúng.

Sahih al-Bukhari, 5558

Trong Kinh Qur'an, Thượng Đế đã phán:

Và các ngươi hãy hoàn thành Hajj và ‘Umrah vì Allah. Trường hợp các ngươi bị cản trở (do bệnh hoặc một điều gì đó không thể tiếp tục hành hương) thì hãy giết một con vật tế (...)

Kinh Quran - 2:196
(diễn giải ý nghĩa)

Nguồn: islamqa.info
Dịch bởi: Phong Doan

Câu hỏi tương tự